Bánh khoái Huế là một trong những món ăn độc đáo của vùng đất Cố đô. Món ăn này được chú trọng cả về chất lượng lẫn hình thức. Tại sao nó có tên là bánh khoái? Điểm khác biệt của bánh khoái so với bánh xèo là gì? Cách chế biến như thế nào? Cùng Check in Huế tìm hiểu để trả lời các câu hỏi trên nha.
Contents
Lý giải về cái tên bánh khoái
Ẩm thực Huế có vô vàn món ăn, trong số đó có một món ăn nghe tên đã thấy ngon – bánh khoái. Riêng tên gọi cũng đã gợi lên sự tò mò và hấp dẫn với bất kỳ ai khi có dịp đến Huế. Có thể lý giải rằng người xưa dùng bếp củi để chế biến bánh khoái. Khi đổ bột vào chảo, khói bếp bốc lên nghi ngút, cay mắt nên người Huế gọi là bánh khói. Người Huế phát âm từ khói nghe như khoái, đọc chệch rồi quen dần và có tên như bây giờ.
Ở các quán ăn, khi thực khách đến, chủ quán mới bắc khuôn lên bếp để đổ bánh. Khuôn làm bằng gang, hình tròn, có tay cầm. Khi dầu sôi, đầu bếp đổ một lớp bột mỏng vào khuôn. Bánh vừa chín vàng thì thêm tôm, thịt, nấm vào một bên, lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt. Bánh khoái vừa đổ xong sẽ được mang ra bàn cho khách nên còn nóng hổi, bánh vẫn đang bốc khói, đây cũng có thể là lý do cho cái tên.

Có ý kiến lại cho rằng, “khoái” có nghĩa là “khoái khẩu” vì món ăn này rất ngon, thực khách ăn hết lại muốn ăn tiếp. Bánh khoái được ăn cùng với nước lèo và rau sống. Bánh được cắt làm đôi, khách gắp một nửa bánh, cho vào bát ăn cùng rau sống và nước lèo chứ không cuốn bánh tráng. Những cách lý giải khác nhau về tên gọi góp phần giúp món ăn này trở nên hấp dẫn và thú vị hơn đối với du khách.
Điểm khác biệt của bánh khoái Huế so với bánh xèo
Sự khác biệt lớn nhất giữa bánh khoái Huế với bánh xèo chính là nước chấm được gọi là nước lèo. Nước lèo đặc sánh màu nâu nhạt được làm từ gan, thịt nạc heo băm nhuyễn cùng với tương đậu nành, đậu phộng, mè. Tương rất quan trọng trong chén nước chấm. Chỉ có tương Huế mới làm cho chén nước chấm dậy hương thơm và độ mặn, ngọt đặc trưng riêng có ở Huế. Nước lèo có vị bùi của gan heo, vị béo của đậu phộng giã nhuyễn và mùi thơm của mè.
Ăn kèm với bánh khoái phải có vả xắt và chuối xanh. Bên cạnh đó, còn có cả đu đủ, cà rốt ngâm giấm chua ngọt, xà lách, rau thơm, ngò rí. Tất cả tạo nên một món ăn đầy đủ màu sắc và hòa quyện nhiều hương vị khác nhau: chua, cay, chát, mặn, ngọt, béo, bùi – một món ăn trọn vẹn hương vị. Bánh khoái Huế thể hiện rõ phong cách ăn uống và triết lý ẩm thực của người Huế.

Vào những ngày mưa lạnh của xứ Huế mà được thưởng thức bánh khoái thì còn gì sướng bằng. Bánh vừa chiên xong nóng hổi, khói còn bốc lên. Đĩa bánh vàng ươm, nóng giòn, đầy ấp tôm, thịt, nấm đặt cạnh đĩa rau sống tươi xanh, tô nước lèo sánh sệt đậm vị làm cho người ta thấy thôi cũng đủ “khoái” rồi.
Nguyên liệu chính làm bánh khoái Huế
- Bột gạo
- Bột mỳ
- Trứng
- Tôm (sú)
- Thịt ba chỉ
- Nấm rơm (có hoặc không đều được)
- Đậu phộng (lạc), mè (vừng)
- Gan lợn
- Giá đỗ
- Hành băm
- Rau sống ăn kèm: Cải xanh, xà lách, khế chua, vả, chuối, cà rốt, đu đủ. Bạn cũng có thể linh hoạt cho thêm một số loại rau, củ, quả khác tùy theo ý thích như xà lách, ngò rí, xoài, dưa leo,…

Các bước làm bánh khoái Huế siêu ngon
Bánh khoái Huế đòi hỏi vỏ bánh phải có độ giòn nhất định, nhân bánh phải làm từ nguyên liệu tươi tốt để có vị ngọt thanh tự nhiên, nước chấm đậm đà và rau sống tươi ngon. Review Huế sẽ hướng dẫn bạn 4 bước để làm ra những chiếc bánh khoái Huế hấp dẫn:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Trước tiên bột gạo sẽ được khuấy trong nước lạnh, trung bình 1 bột – 2 nước, thêm bột mỳ, muối, mỳ chính, bột nghệ (đề bánh có màu vàng đẹp mắt), trứng gà, dùng đũa hoặc phới đánh tan sau đó lọc qua rây để loại tạp chất.
- Tôm tươi bỏ đầu, bóc vỏ, ướp chút muối, xào sơ với hành tỏi băm.
- Thịt ba chỉ cắt mỏng, sau đó ướp hành, tỏi băm, đường, hạt nêm và áp chảo.
- Gan rửa sạch, băm nhuyễn rồi ướp với hành tỏi băm, hạt nêm.
- Nấm rơm, cắt bỏ gốc rửa sạch, thái chỉ to.
- Gan lợn rửa sạch, để ráo, băm nhỏ. Lạc, vừng rang chín, xát vỏ giã nhỏ.
- Giá rửa sạch; Cải xanh, rau thơm, xà lách nhặt rửa sạch, vẩy ráo.
- Khế chua, vả rửa sạch, cắt lát mỏng.
- Đu đủ, cà rốt bào rồi và ngâm với nước muối.
Bước 2: Làm nước lèo ăn kèm
- Làm nóng dầu, phi thơm hành tỏi, cho gan heo vào xào chín, cho tương, nước mắm ngon, đường, hạt nêm nếm vị ngọt vừa ăn.
- Nêm gia vị vừa miệng, thêm đậu phộng, mè, tiêu, ớt, đường, tương đậu nành, mỳ chính vào khuấy lửa nhỏ, sanh sánh là được.
- Bày ra bánh đĩa, trang trí hoa ớt, ăn kèm với các loại rau sống.
Bước 3: Chiên bánh
Đặt khuôn bánh lên lò, đợi nóng khuôn rồi tráng dầu cho sôi rồi mới múc bột đổ vào. Sau đó cho nhân gồm tôm, thịt, nấm lên bánh, đậy nắp chờ bánh chín thì cho thêm giá sống vào giữa rồi tráng lòng đỏ lên mặt bánh. Dùng vỉ gập bánh làm đôi, lật mặt bánh cho đều để bánh chín giòn mới để ra đĩa.

Làm bánh khoái Huế, ngoài công thức bột được gia giảm kỹ lưỡng thì còn chú ý đến lửa – yếu tố quan trọng để có bánh ngon. Chiên bánh khoái phải cẩn thận từng thao tác, từ canh độ nóng của lửa, đổ bánh vừa đủ bột. Khi đổ bánh, có thể “tráng” thêm trên bột một lớp lòng đỏ trứng gà, vừa để thêm chất dinh dưỡng, vừa để bánh có màu sắc hấp dẫn hơn.
Như vậy là bạn đã hoàn thành các công đoạn và thưởng thức được món bánh khoái Huế siêu ngon mãi đỉnh rồi. Còn gì tuyệt vời hơn trong một ngày mưa phùn lạnh lẽo mà được thưởng thức một món ăn nỏng hổi vừa thổi vừa ăn cùng người thân đúng không nào.
Tin khác