Nhắc đến ẩm thực Cố đô không thể nào không kể đến bánh lọc. Bánh lọc từ lâu đã trở thành món ăn được yêu thích của người dân xứ Huế lẫn du khách trong nước và quốc tế. Cùng Check in Huế tìm hiểu cách làm món bánh siêu ngon này nhé.
Contents
Bánh lọc Huế – món ăn vượt ra khỏi biên giới
Bánh lọc là món bánh đã xuất hiện rất lâu ở Cố đô Huế. Từ một món ăn bình dân, qua bàn tay khéo léo và tài hoa của người Huế, bánh lọc đã trở thành một “mỹ vị” làm say mê thực khách tứ phương. Thật khó lòng thống kê ở Huế có bao nhiêu nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là những gánh hàng rong bán bánh lọc. Chiều chiều, các chị, các dì, các mệ… lại “nách” những thau bánh lọc tỏa khắp phố phường, đường làng ngõ xóm để phục vụ “bữa lỡ” cho người dân Cố đô.

Bánh lọc gói không chỉ nổi tiếng ở Huế mà còn phổ biến ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Rất nhiều tiệm ăn, nhà hàng ở khắp mọi miền đất nước, nhất là ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang,… có kể tên món bánh lọc Huế trong thực đơn. Thậm chí, bánh lọc đã hiện diện ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nhưng có lẽ chỉ ở Huế, du khách mới được thưởng thức những chiếc bánh lọc đúng vị nhất.
Ẩm thực Huế vốn có sức hút lớn với du khách bởi những món bình dị nhưng hương vị độc đáo và bánh lọc là một trong số đó. Bánh lọc hấp dẫn thực khách không chỉ bởi vẻ tinh tế bên ngoài – nhân tôm thịt hiện thấu qua lớp bột bánh trong suốt mà hương vị còn rất đậm đà. Nhờ hương vị đặc biệt mà bánh lọc Huế được chuyên trang du lịch CNNGo của hãng thông tấn CNN bình chọn nằm trong danh sách 30 món bánh ngon nhất thế giới vào năm 2012.

Nguyên liệu chính làm bánh lọc Huế
- Lá chuối. Lá chuối có thể mua ở chợ hoặc lá chuối được đóng gói sẵn ở siêu thị.
- 400g bột năng
- 300g tôm. Ở Huế, mọi người thường chọn tôm rằng, tôm sáo, tôm đất to chắc, tươi rói từ thiên nhiên để nhân bánh được ngon nhất.
- 300g thịt ba chỉ. Thịt heo tươi ngon có độ đàn hồi tốt, màu hồng nhạt, khô ráo, không có thâm xanh hay chảy nhớt.
- Hành tím xay nhuyễn, tỏi băm
- Gia vị: Muối, tiêu, dầu ăn, ớt bột, hạt nêm

Các bước làm bánh lọc Huế
Để làm ra những chiếc bánh lọc thơm ngon đúng chuẩn vị Huế không phải là quá khó, cùng Review Huế tìm hiểu các bước thực hiện nha.
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Lá chuối sau khi mua về bạn rửa sạch với nước, dùng khăn lau sạch rồi cắt lá chuối thành những khổ vuông có cạnh dài 15-20cm. Có thể luộc lá chuối, hơ lửa hoặc phơi nắng để lá mềm dễ gói.
- Thịt heo: tiến hành rửa sạch, cắt nhỏ khoảng 1 lóng tay ngón út.
- Tôm: bỏ vỏ và đầu, lấy chỉ lưng và rửa sạch với nước.
Bước 2: Làm bột bánh
- Cho bột năng với 450g nước lọc, 1 thìa cà phê muối và 1 muỗng canh dầu ăn vào trong một chiếc nồi, khuấy đều cho các nguyên liệu quyện đều vào nhau.
- Bạn đun sôi hỗn hợp trên với lửa nhỏ, dùng đũa khuấy đều đến khi bột dẻo lại thì dừng, tắt bếp và đợi bột nguội bớt.
Bước 3: Làm nhân bánh
- Bỏ tôm và thịt vào 2 cái tô riêng biệt, sau đó nêm vào mỗi tô 1 muỗng cà phê hành tím đã xay nhuyễn, 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê muối.
- Trộn đều rồi để tôm và thịt được thấm gia vị trong khoảng 30 phút.
- Bắc chảo lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu nóng thì cho 1 muỗng canh tỏi và 1 muỗng canh hành tím băm vào phi thơm.
- Khi hành tỏi dậy mùi thơm thì cho thịt heo vào xào và đảo đều tay. Khi thịt heo săn lại và mỡ heo bắt đầu chuyển sang màu hơi trong thì bạn cho tôm vào xào chung.
- Bạn xào đến khi tôm chuyển sang màu đỏ thì thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, đảo đều tay một lượt nữa rồi tắt bếp.
Bước 4: Gói bánh
- Bạn múc một muỗng bột cho vào chính giữa miếng lá, rồi đặt 1 con tôm và 1 miếng thịt lên phần bột, ấn chúng vào bên trong bột
- Tiếp đến bạn lần lượt gấp lá chuối lại, gấp lá theo chiều dọc hai bên trái, phải trước, rồi tiếp tục gấp hai đầu còn lại cho đến khi lá chuối bao phủ lên toàn bộ bánh. Sau đó, lấy dây lá chuối cột lại để bánh được cố định.
Bước 5: Hấp bánh
- Bạn chuẩn bị 1 nồi hấp, xếp bánh lên xửng hấp rồi đổ nước vào, bạn tiến hành hấp bánh lọc trong vòng 15-20 phút.
- Sau 15 phút, bạn thử lấy 1 cái bánh ra, nếu bánh chuyển sang màu trong, ăn thử có vị ngọt, mềm thì bánh đã chín.

Bánh lọc sau khi hấp chín, bạn bày ra đĩa để chuẩn bị thưởng thức cùng với chút nước mắm ớt cay cay. Bánh lọc hấp chín tới, vỏ bánh dai mềm, nhân tôm thịt được xào thơm, thấm đượm gia vị. Ăn ngay khi bánh còn nóng sẽ ngon hơn nha. Hôm nào rảnh rỗi, bạn hãy thử trổ tài làm bánh lọc cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé.
Tin khác