Hầu như không ai là không biết đến món bánh nậm nổi tiếng thơm ngon của người Huế, một món ăn dân dã, bổ dưỡng, thường được người Huế ăn vào “bựa lợ”. Cùng Check in Huế tìm hiểu nguồn gốc và cách làm ra những chiếc bánh nậm nhé.
Contents
Nguồn gốc của bánh nậm
Hiện nay, vẫn chưa có đáp án chính thức về nguồn gốc của bánh nậm. Những người bán bánh nậm hơn 50 năm ở Huế cũng không biết chính xác nó ra đời khi nào. Chỉ biết rằng, nó đã ra đời từ rất lâu.
Một số người cho rằng bánh nậm có nguồn gốc ở làng Nam Phổ (nay thuộc xã Phú Thượng, thành phố Huế). Thuở xa xưa, các bà nội trợ của những gia đình nông dân nghèo đã dùng cối đá xay gạo thành bột, hòa với nước lã, bắc lên bếp giáo thành thứ bột sền sệt. Họ làm nhân bánh từ tôm tép tự đánh bắt được, đem chiên xào, giã nhuyễn rồi bắc lên bếp chấy. Lá để gói thì cắt lá chuối, lá dong có sẵn ngoài vườn, sau đó gói rồi đem hấp.

Từ đó các gia đình bắt chước nhau làm bánh nậm. Những người giàu thường bỏ tiền ra mua thay vì tự làm. Và thế là bánh nậm bắt đầu được đem bán khắp nơi, nên mới có câu hát ru cách đây hơn nửa thế kỷ: “Chiều chiều bánh nậm lên dinh”. Đây là cách nói của người Huế chỉ việc bánh nậm được đem lên kinh thành để bán. Bánh nậm dần dần trở thành món ăn yêu thích của mọi tầng lớp, lứa tuổi.
Bánh nậm – món ăn dân dã và tiện dụng
Bánh nậm là một món ăn vừa dân dã, vừa thanh tao nổi tiếng. Bánh có hương vị thơm ngon, mềm mịn, thơm phức vị tôm, thịt. Bánh nậm là thức ăn “bựa lợ” hợp khẩu vị từ người già đến trẻ nhỏ. Thưởng thức bánh nậm như thưởng thức sự tinh túy của đất trời. Bánh hài hòa từ vị đậm đà, ngọt thanh của tôm thit, sự mềm mại của bột cho đến hương thơm ngan ngát của lá chuối, lá dong.
Đối với người Huế, bánh nậm là một món ăn rất quen thuộc và được ưa thích. Đây là một trong các món bánh truyền thống và có tính hữu dụng cao trong đời sống văn hóa Huế. Tính hữu dụng thể hiện ở nhân bánh được chế biến sáng tạo, có thể dùng trong mọi trường hợp, ngày thường lẫn nghi lễ. Không chỉ có bánh mặn nhân tôm mà có cả bánh nậm chay nhân đậu xanh hoặc bánh chay nhân hỗn hợp gồm nấm meo, cà rốt, đậu phụ băm nhuyễn.

Ở Huế, những hàng quán, gánh hàng rong, nhà hàng, các khách sạn Huế gần trung tâm hay ngoại ô đều có phục vụ món bánh nậm Huế truyền thống nên không khó để du khách dừng chân thưởng thức trên hành trình tham quan của mình.
Nguyên liệu chính làm bánh
- Bột gạo
- Bột năng
- Tôm
- Thịt nạc
- Nước
- Bột màu điều
- Lá chuối/lá dong
Các bước làm bánh nậm Huế
Tưởng chừng làm bánh nậm rất phức tạp nhưng thực ra các bước làm không hề khó, cùng Review Huế khám phá cách làm nha.
Bước 1: Làm nhân bánh
Đầu tiên, bạn tiến hành sơ chế tôm và thịt. Rửa sạch tôm, bóc vỏ, băm nhuyễn, rửa sạch thịt nạc, băm nhuyễn. Sau đó, bạn ướp tôm, thịt với chút muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu cho thấm đều gia vị.
Tiếp đến, bạn đặt chảo lên bếp, sau đó cho vào chảo khoảng 2-3 muỗng dầu ăn rồi cho tỏi và hành băm vào phi đến thơm vàng. Sau đó, bạn cho tôm và thịt vào đảo nhanh để tôm thịt tơi nhỏ.
Sau khi đảo qua tôm, thịt khoảng 1-2 phút thì bạn cho bột màu điều để nhân bánh có màu đỏ đẹp mắt. Xào một lúc khi thấy tôm và thịt đã chín và ráo nước thì bạn tắt bếp nha.

Bước 2: Làm bột bánh
Để làm phần bột bánh, bạn trộn bột gạo, bột năng khuấy cùng với nước lọc, dầu ăn, một ít đường và muối. Bạn lưu ý tỷ lệ bột và nước phải đúng thì bột bánh mới đạt độ dẻo dai chuẩn. Thông thường, tỷ lệ bột và nước sẽ là 1:2.
Sau khi đã hòa tan bột, bạn đặt nồi lên bếp lửa vừa nhỏ rồi khuấy đều tay, đến khi bột hơi sệt lại và chuyển sang màu trong hơn thì tắt bếp. Để tránh hiện tượng ốc trâu bột, sau khi tắt bếp bạn cứ tiếp tục khuấy đều tay đến khi bột mịn và không còn lợn cợn là được.
Bước 3: Gói bánh
Bạn có thể gói bánh nậm bằng lá chuối hoặc lá dong. Lá chuối tiến hành rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi có pha ít muối để lá mềm nhưng vẫn giữ được màu xanh tươi. Hay bạn có thể hơ lá chuối trên lửa hoặc phơi nắng để lá mềm dễ gói hơn.

Sau đó, cắt lá thành những miếng hình chữ nhật với kích thước khoảng tầm 20 cm x 15 cm. Tiếp đến, bạn bôi một chút dầu lên lá, sau đó phết lên lá một lớp bột mỏng rồi cho nhân tôm thịt chính giữa bột. Bạn gói bánh với tỉ lệ là 1 muỗng canh bột thì 3/4 muỗng cà phê nhân.
Sau đó, bạn gấp hai bên mép lá lại, bẻ hai đầu, lúc này bánh có hình chữ nhật. Để lớp bột được dàn đều bạn dùng tay vuốt nhẹ nhàng, đều mặt bánh để bột tán đều cho bánh mỏng đẹp.
Sau khi gói bánh xong, bạn đặt bánh vào xửng hấp rồi hấp khoảng 10 đến 15 phút.
Bước 4: Làm nước chấm ăn kèm
Bánh nậm Huế không thể nào thiếu món nước mắm chấm bánh. Đầu tiên bạn cho nước mắm và một ít đường lên bếp nấu sôi cho tan đường, rồi thêm một ít nước lọc để giảm độ mặn của nước mắm.
Sau đó, để nguội rồi pha thêm nước cốt chanh và thêm ớt tỏi băm. Tùy vào sở thích, khẩu vị mà bạn có thể tăng giảm độ cay cho nước mắm. Đa số người Huế thường rất thích ăn bánh nậm chan nước mắm ớt Cao Sản cay xé lưỡi.

Thành phẩm bánh nậm ngon có màu trắng sữa, nhân màu gạch tôm trải đều trên bột bánh, bánh mềm vừa ăn nhưng không bở, thơm nhẹ mùi lá chuối hay lá dong. Hẳn bạn và gia đình sẽ khó lòng cưỡng lại được hương vị đậm đà thơm ngon đến từ món bánh này.
Tin khác