Cung An Định là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn đã được hơn 100 năm tuổi. Đây là điểm đến nhất định phải tham quan khi đến với Cố đô. Cùng theo chân Check in Huế tận hưởng khung cảnh tuyệt vời của Cung An Định nhé.
Contents
Lịch sử cung An Định
Cung An Định là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình, tọa lạc tại số 97 đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Cung An Định tiền thân có tên là phủ Phụng Hóa – công trình bằng gỗ nằm bên bờ dòng sông An Cựu. Cung An Định được vua Đồng Khánh xây dựng cho vua Khải Định để làm cung điện sinh sống từ khi vua Khải Định còn là Thái tử đến ngày lên ngôi Hoàng đế.
Năm 1917, vua Khải Định sử dụng tiền riêng của mình để cải tạo phủ Phụng Hóa theo lối hiện đại, biến phủ gỗ ban đầu trở thành một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ và đổi tên là An Định cung. Tiếp nối truyền thống từ đời trước, vua Khải Định trao lại cung An Định của mình cho hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Dưới triều Hoàng đế Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945), cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, lễ khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quan chức.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vua Bảo Đại cùng gia quyến là hoàng hậu Nam Phương, đức Từ Cung thái hậu và các hoàng tử công chúa đã dọn từ Hoàng cung qua An Định cung sinh sống. Đây là nơi ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi nhà vua thoái vị.

Sau gần nửa thế kỷ bị rơi vào lãng quên, dưới tác động của thời gian, của chiến tranh, vẻ đẹp của cung An Định bị phủ lấp, thậm chí bị hủy hoại. Từ năm 2002, cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và trùng tu tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ.
Những địa điểm check in đẹp tại cung An Định
Cung An Định là một tổ hợp nhiều công trình với tổng diện tích gần 24.000 mét vuông. Hiện nay, cung còn 3 công trình vẫn còn tồn tại là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Được coi là công trình mở đầu cho thời kỳ mỹ thuật Huế, giao thoa giữa hai nền văn hóa Á và Âu đầu thế kỷ XX. Cung An Định được trang trí các chi tiết như tứ quý, tứ linh, bát bửu và các cột được thiết kế theo phong cách Roman,… theo hơi hướng châu Âu sang trọng và tinh tế.
Cổng chính cung An Định
Cổng chính có một lối đi duy nhất, muốn vào bên trong bạn phải đi qua cánh cổng lớn. Cổng chính được xem là một những nét kiến trúc đặc sắc nhất của cung điện này bởi lối thiết kế theo kiểu tam quan với hai tầng, các chi tiết xung quanh cổng được trang trí bằng sành sứ đắp nổi nhìn rất kỳ công, đậm tính truyền thống của Việt Nam. Ở đỉnh mái tầng trên còn gắn biểu tượng viên trân châu lớn.
Đình Trung Lập
Bước qua cổng chính bạn sẽ thấy Đình Trung Lập có kết cấu đình bát giác với phần nền cao và phần mái cấu tạo theo dạng cổ lầu, chia làm 2 lớp: một lớp dưới có 8 cạnh và một lớp trên có 4 cạnh. Bên trong đình có đặt một bức tượng đồng vua Khải Định vốn đã được đúc vào năm 1920 và được đo đúng tỷ lệ.

Lầu Khải Tường
Lầu Khải Tường với ý nghĩa là nơi khởi phát điềm lành. Lầu được chia làm 3 tầng với diện tích lên đến 745 mét vuông và được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu. Không chỉ gây ấn tượng với thiết kế bên ngoài mà Lầu Khải Trường còn được đầu tư trang trí cực kỳ công phu bằng nhiều vật liệu được mang về từ châu Âu.
Trong đó, phải kể đến những bức tranh tường có giá trị nghệ thuật cao và những đồ nội thất đặt ở tầng 1. Khu tiền sảnh nổi bật với 6 bức tranh đặt trên các mảng tường, viền ốp bằng khung gỗ, chạm khắc hình lá sen, hoa mai. Năm bức tranh đầu tiên chính là bối cảnh của 5 lăng của 5 vị vua. Sự kết hợp giữa hoa văn truyền thống với hoa văn trang trí của phương Tây tạo nên không gian thu hút và đẹp mắt.
Cung An Định được ekip Gái Già Lắm Chiêu 5 “hô biến” thành Cung điện Bạch Trà Viên xa hoa, vương giả của 3 chị em nhà Lý gia, là nơi diễn ra nhiều các cảnh quay trong phim. Cung An Định cũng là bối cảnh của câu chuyện được ca sĩ Hòa Minzy tái hiện trong một MV ca nhạc, mang lại tiếng vang lớn.



Giá vé Cung An Định và thời gian mở cửa
Giá vé vào cổng
- Người lớn: 30.000đ
- Trẻ em: miễn phí
Thời gian mở cửa
- Mùa hè: từ 6h30 đến 17h30
- Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
Hướng dẫn di chuyển đến cung An Định
Bạn có thể lựa chọn một trong các phương tiện như taxi, xe ôm hoặc thuê xe máy để đến cung An Định. Cung Anh Định nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 km nên bạn di chuyển bằng phương tiện nào cũng rất tiện lợi. Xuất phát từ cầu Trường Tiền bạn chạy thẳng theo đường Hùng Vương, tới ngã tư thì rẽ phải vào đường Phan Đình Phùng, đi thêm một đoạn ngắn bạn sẽ thấy biển cung An Định. Bạn có thể tìm chỗ gửi xe bên ngoài hoặc vào khu vực để xe của cung, sau đó thoải mái tham quan, chỉ mất chừng 5 – 10 di chuyển thôi.
Nếu có dịp đến Huế bạn đừng quên thăm quan Cung An Định nhé, chắc chắc sẽ không làm bạn phải thất vọng bởi vì công trình quá đẹp và cổ kính. Review Huế chúc bạn có chuyến du lịch thú vị và đầy ắp những tấm ảnh sống ảo lung linh nha.
Tin khác