Notice: Undefined variable: content in /home/u817475818/domains/checkinhue.vn/public_html/wp-content/themes/flatsome-child/functions.php on line 22

Khám phá Hổ Quyền – đấu trường gần 200 năm tuổi độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Hổ Quyền được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, nơi diễn ra biết bao cuộc chiến sinh tử giữa voi và hổ. Đây là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại, độc nhất vô nhị tại châu Á. Đấu trường Hổ Quyền đến ngày nay vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa, thu hút nhiều du khách tham quan. Cùng Check in Huế khám phá nhé.

Hổ Quyền tọa lạc tại số 373 Bùi Thị Xuân, phường Đúc, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Đây được xem là công trình độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hổ Quyền không chỉ mang những giá trị kiến trúc mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tư tưởng thời Nguyễn năm 1998, Hổ Quyền được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Du khách tham quan đấu trường Hổ Quyền
Du khách tham quan đấu trường Hổ Quyền

Lịch sử công trình Hồ Quyền

Trước khi xây dựng Hổ Quyền, các trận chiến sinh tử giữa voi và hổ diễn ra ở cồn Dã Viên. Trong thời gian này đã xảy ra nhiều sự cố nguy hiểm. Chẳng hạn vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chứng kiến một cuộc đấu đẫm máu với 40 con voi tàn sát 18 con hổ. Một con hổ đã tát ngã người quản tượng, sau đó quản tượng bị chính con voi mà mình huấn luyện giẫm chết.

Vào thời vua Minh Mạng, khi nhà vua đang ngồi xem trận giao đấu trên sông Hương thì có một con hổ bơi về phía thuyền rồng, may mắn là có đội quân hộ giá kịp thời. Vì vậy, nhà vua đã cho xây dựng đấu trường Hổ Quyền kiên cố ở thôn Trường Đá, thuộc làng Nguyệt Biều, nằm ở phía Tây Kinh thành vào năm Minh Mạng thứ 11 tức năm 1830.

Mặc dù tên gọi Hổ Quyền nhưng đấu trường này lại là mồ chôn của Hổ để tôn vinh Voi với những điều kiện ưu đãi tuyệt đối đối với Voi và hoàn toàn không công bằng với Hổ khi Chúa sơn lâm bị cắt hết móng vuốt, bỏ đói vào hôm diễn ra trước trận đấu.

Kiến trúc độc đáo của Hổ Quyền

Hổ Quyền được xây dựng lộ thiên, có cấu trúc hình vành khăn độc đáo được xây dựng từ gạch vồ. Các vòng thành trong và ngoài cao lần lượt là 5,8 m và 4,75 m với độ dày trung bình 4,5 m. Thành ngoài xây nghiêng theo cấu trúc hình chân đế và có cửa cao được làm bằng gỗ khắc chữ “Hổ Quyền”. Năm chuồng nuôi nhốt hổ được xây dựng đối diện với khán đài.

Sau chiến tranh, Hổ Quyền bị bỏ hoang nên xuống cấp khá trầm trọng. Tuy nhiên, công trình kiến trúc này đã được Trung tâm Di tích Cố đô Huế tiến hành trùng tu vào năm 2019. Hổ Quyền vẫn trở thành điểm tham quan rất được các tín đồ đam mê xê dịch mong muốn khám phá.

Cuộc chiến thiếu công bằng cho hổ

Trận tử chiến tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra hàng năm. Lễ nghi tổ chức trận đấu rất long trọng, uy nghi. Xung quanh đấu trường bày nghi trượng, cờ lọng. Binh lính cầm khí giới cung kính đứng hai bên đường trải sẵn chiếu hoa để chào đón nhà vua.

Vào chính Ngọ, nhà vua và đoàn tùy tùng ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền đến bờ sông, nhà vua rời thuyền và sang kiệu che bốn lọng vàng cùng bốn tàn vàng. Đi phía trước là lính Ngự lâm, theo sau lần lượt theo thứ tự là Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập Bát tú, gươm tuốt trần và cuối cùng là đội nhạc cung đình.

Theo quan niệm thì voi đại diện cho cái thiện, hổ đại diện cho cái ác. Vì vậy, trong các trận đấu, voi luôn giành chiến thắng bởi cuộc chiến giữa voi và hổ ở đấu trường Hổ Quyền diễn ra thiếu công bằng. Để đảm bảo voi luôn giành chiến thắng, trước mỗi trận đấu, người ta bỏ đói hổ vài ngày, hổ bị bẻ hai răng nanh và tuốt hết móng chân. Trong khi đó, voi được cho ăn uống, chăm sóc đầy đủ.

Người đời lưu truyền nhiều câu chuyện liên quan đến đấu trường Hổ Quyền. Trong đó, câu chuyện phổ biến nhất là dù cuộc đấu giữa voi với hổ tại Hổ Quyền kết thúc vào năm 1904, dưới thời vua Thành Thái, nhưng đến trước năm 1975, mỗi đêm, người dân sống gần khu vực Hổ Quyền vẫn nghe tiếng hổ gầm rú như tiếng oán than bi thương từ những cuộc chiến trong quá khứ.

Hiện nay, Hổ Quyền còn khá nguyên vẹn và đang được trùng tu để đón du khách tham quan. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang phục hiện các trận đấu giữa voi và hổ bằng kỹ thuật phim 3D. Các chuyên viên bảo tồn cho rằng Hổ Quyền không chỉ là di tích của Việt Nam mà còn có giá trị quốc tế. Khắp các nước châu Á, không nơi nào có loại đấu trường độc đáo như thế này.

Ảnh: Internet

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *