Bao La là một làng nghề truyền thống mây tre đan đã có từ lâu đời trên 600 năm tại Huế. Làng nghề đan lát Bao La đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, có thời hưng thịnh, cũng có giai đoạn trầm lắng. Hiện nay, nghề đan lát đã được hồi sinh với hy vọng vươn tầm quốc tế. Cùng Check in Huế khám phá nhé.
Nghề đan lát hàng trăm năm tuổi
Làng Bao La nằm ở bờ bắc sông Bồ, thuộc huyện Quảng Điền, bao gồm phần đồng bằng các xóm: Đình, Hóp, Đông, Cầu, Chùa, Chợ và một phần là vùng cát nội đồng ven phá Tam Giang. 6 xóm của làng Bao La liền nhau tạo thành hình vòng cung ôm lấy cánh đồng làng.
Ngày xưa, cứ xong mùa vụ gieo cấy hoặc gặt hái là nhà nhà mang tre ra để đan. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ nam đến nữ, tất cả đều tham gia đan lát tùy mức độ công việc và kinh nghiệm. Nghề này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tính kiên trì. Hơn nữa, việc đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, đây là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm đan lát của làng Bao La rất phong phú, đa dạng, có các sản phẩm đan theo kiểu lòng thúng như thúng, mủng, nang, trẹt; có sản phẩm đan theo kiểu lòng mốt như rổ rá; cũng có sản phẩm đan theo kiểu lòng hai như dần, sàng, lồng bàn. Ca dao có câu: “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột”.
Để có một sản phẩm hoàn thiện, những người thợ đan lát trải qua các công đoạn bao gồm: Chẻ tre, vót, gầy, đan, lát, lận, nứt. Tre được chọn để vót nan phải là loại tre già dài lóng. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà người ta cưa tre thành từng đoạn dài, ngắn, rồi chẻ tre thành từng thanh có độ dày mỏng, to nhỏ khác nhau.
Có nhiều cách đan, thông dụng nhất vẫn là đan nong mốt, nong hai, lục giác… Đan thưa, đan dày hay đan bít là tùy theo công dụng của sản phẩm. Cũng là đan nhưng đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn thì người ta gọi là đát.
Đát bao giờ cũng lâu và cần tỉ mỉ hơn đan. Nhưng nếu chỉ đan hoặc đát xong thì chưa thể tạo thành sản phẩm. Người thợ sẽ phải lận để tạo hình dáng cho sản phẩm bằng cách chuẩn bị cặp vành, gồm vành trong và vành ngoài, rồi khéo léo đưa mảng đan bằng tre sao cho nằm lọt vào bên trong cặp vành. Công đoạn cuối dùng mây để buộc vành trong, vành ngoài và cái mê lại với nhau theo cách riêng, vừa đẹp vừa bền gọi là nứt.
Làng nghề hồi sinh trở lại
Hơn nửa thế kỷ trước, khi đồ gia dụng nhựa chưa chiếm lĩnh thị trường là thời kỳ hoàng kim của làng nghề mây tre đan Bao La. Từ chợ Đông Ba, các sản phẩm của làng nghề mây tre đan tỏa đi khắp các vùng miền lân cận.
Tuy nhiên, khi đồ gia dụng nhựa phổ biến khiến làng nghề truyền thống lao đao. Đó là lý do mà Hợp tác xã Mây tre đan Bao La ra đời với mong muốn vực dậy làng nghề. Để sản phẩm mây tre đan Bao La đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng thì người dân làng nghề buộc phải phát triển thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thay đổi cách thức tổ chức sản xuất.
Từ chỗ loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay, hợp tác xã có những đối tác đặt hàng thường xuyên và nhiều sản phẩm được xuất đi nước ngoài. Từ chỗ chỉ có những sản phẩm mây tre đan truyền thống như rổ rá, nong, nia, dần, sàng, thúng, mủng… thì hiện nay, hợp tác xã đã sản xuất hơn 500 mẫu mã, nhiều sản phẩm mang dáng dấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trong đó có các loại đèn trang trí với hình dáng và kích cỡ khác nhau như Đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ống tre, đèn bát, đèn trái lựu… rồi các các sản phẩm ngư nghệ như: Ghe đua, ghe buồm, chơm cá… phục vụ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và khách du lịch.
Mục tiêu đưa Bao La trở thành điểm đến du lịch
Chủ trương phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa làng nghề truyền thống được đưa vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Làng Bao La cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Sản phẩm của làng nghề được quảng bá tại hội chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ tìm kiếm thị trường.
Để du khách lựa chọn sản phẩm của làng nghề làm quà lưu niệm thì cần đa dạng mẫu mã, đặc biệt là các sản phẩm gọn nhẹ, mẫu mã vừa mang phong cách truyền thống, vừa mang phong cách hiện đại, giá trị nghệ thuật cao. Cùng với đó, cũng cần tập trung phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm phục vụ các tiện ích sinh hoạt hằng ngày, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Ngoài ra, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, festival cũng cần quan tâm. Để làng nghề mây tre đan Bao La thực sự trở thành điểm đến du lịch thì trước nhất cần khai thác triệt để kinh nghiệm, tri thức của các nghệ nhân có tay nghề cao. Hơn nữa, cần có những chính sách thu hút lao động trẻ giúp để họ hiểu hơn về giá trị của nghề truyền thống.
Hy vọng trong tương lai gần, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, làng nghề đan lát Bao La sẽ là điểm đến thú vị trong hành trình về xứ Huế.
Ảnh: Internet
Tin khác