Trải qua hàng trăm năm, tranh làng Sình vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ của nét văn hóa độc đáo, là dòng tranh dân gian mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Huế. Làng Sình còn nổi tiếng với lễ hội vật. Khám phá làng Sình là trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn và mới mẻ dành cho các tín đồ thích du lịch trải nghiệm. Cùng Check in Huế khám phá nhé.
Contents
Lịch sử về tranh làng Sình
Làng Sình nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía Đông. Làng Sình thực tế còn được gọi với cái tên khác là làng Lại Ân, làng thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế. Xã Phú Mậu gồm 8 ngôi làng, trong đó có làng Sình là đắc địa nhất, hướng thủy, lượn ôm vòng cung tạo thành một bán đảo trù phú. Nơi đây nổi tiếng với hội vật truyền thống vào mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, ngoài ra còn nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian mỗi dịp tết đến xuân về.
Về thời điểm xuất hiện tranh làng Sình, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, tranh làng Sình hình thành khoảng thế kỉ 19. Lại có ý kiến khác cho rằng, làng Sình có vào thế kỉ 16 sau đó không lâu dân trong làng đã bắt đầu làm tranh. Như nhiều làng tranh dân gian khác, nghề làm tranh ở làng Sình cũng có thời hoàng kim. Nhiều người ở làng tranh này còn kể, vào trước năm 1945, làng Sình trong làng có một nửa các hộ dân là làm nghề tranh. Quanh làng luôn nhộn nhịp việc làm tranh, bán tranh.
Ngay từ khi ra đời, tranh làng Sình đã không còn thuần túy là để phục vụ thú chơi tranh tao nhã mà nó còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tranh được người dân xứ Huế dùng để thờ, hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.
Các dòng tranh của làng Sình
Các nhà nghiên cứu đã tạm chia tranh Sình thành 3 nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thờ cúng. Ngày nay, tranh làng Sình có thêm các nội dung khác. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này được khách du lịch ưa chuộng. Đó có thể là hội vật hay các trò chơi kéo co, bịt mắt bắt dê…; rồi hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.
Với sự đa dạng về mẫu mã, lại thiết thực với đời sống tín ngưỡng của người dân, nên tranh làng Sình không chỉ được ưa chuộng ở Huế mà còn được bán ở các tỉnh khác như Bình Định, Quảng Trị,… Do đó, nghề in tranh có sự khởi sắc, nhiều gia đình trong làng tổ chức in tranh, sân nhà vang rộn tiếng giã điệp và tiếng nói cười của những người tham gia làm tranh.
Các hoạt động trải nghiệm tại làng Sình
Tìm hiểu nghề làm tranh của làng Sình
Đến làng Sình, bạn sẽ được khám phá các nét đặc trưng của một bức tranh từ mộc bản qua lời kể của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước – người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm tranh làng Sình. Loại tranh dân gian này được dùng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Tranh từ mộc bản thường có trong các dịp lễ tết hoặc cúng bái. Sau khi cúng xong thì tranh sẽ được đem đi đốt để hóa cho tổ tiên.
Tranh Sình được in trên các khổ giấy dó. Các khuôn mộc bản được làm từ gỗ mít, gỗ thị hoặc gỗ kền để tạo được đường nét rõ nhất. Sau khi in xong thì sẽ tiếp tục tô lại bằng màu được điều chế từ màu lá cây, tro, gạch, vỏ sò,…
Trải nghiệm làm tranh
Ngoài tìm hiểu về làng nghề làm tranh dân gian từ mộc bản, du khách còn được thử sức tự tay làm ra một bức tranh độc đáo của riêng mình. Bạn sẽ dùng dùng mực màu đen phết lên bản mộc, dùng giấy dó in lên và đem phơi tranh cho khô mực. Sau đó, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn bạn dùng các loại màu tô lên tranh. Đây là trải nghiệm độc đáo được rất nhiều du khách thích thú, đặc biệt là du khách nước ngoài. Hoạt động này góp phần quảng bá du lịch, giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống.
Tham gia lễ hội vật làng Sình
Cứ đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân xã Phú Mậu lại giong trống mở cờ để tổ chức lễ hội vật làng Sình. Đây là nét đẹp văn hóa đã tồn tại hơn 400 năm qua, từ thời chúa Nguyễn. Ngày hội này thu hút đông đảo du khách về tham dự. Truyền thống đẹp đẽ, giàu tinh thần thượng võ này giúp kích thích việc rèn luyện sức khỏe và lòng dũng cảm, mưu trí của người trẻ.
“Dù ai đi đó đi đây
Đến ngày Hội vật nhớ quay về Sình”
Lễ hội vật ở làng Sình Huế thường chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần chính: phần lễ, phần hội. Ở phần lễ, các cụ trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng ở đình làng Lại Ân. Ở phần hội, các đô vật được phân chia theo lứa tuổi, thắng 3 trận sẽ vào vòng chung kết. Người tham gia đấu vật không nhất thiết phải là người địa phương mà du khách cũng có thể đăng ký đấu vật.
Hướng dẫn cách di chuyển về làng Sình
Cách thứ nhất là đi xe máy theo đường bộ. Từ trung tâm thành phố Huế, không quá khó để tìm đến đây, bạn chỉ cần theo chỉ dẫn của google map dọc theo đường Nguyễn Sinh Cung, qua cầu đến chợ Nọ rẽ trái vào đường 2. Đến địa phận làng Sình, bạn hỏi nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thì hầu hết mọi người đều biết.
Cách thứ hai là chèo thuyền xuôi theo dòng sông Hương khoảng 9 km, làng nằm trầm mặc hướng Tây Nam, quay mặt thẳng ra sông Hương thơ mộng. Di chuyển theo cách này chủ yếu là du khách nước ngoài hoặc khách thập phương đi theo tour.
Làng Sình là địa điểm du lịch mới lạ, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đến với làng Sình, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp văn hóa của một làng nghề truyền thống làm tranh dân gian, tự tay tạo ra một bức tranh từ mộc bản. Review Huế chúc bạn có những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo nhé.
Ảnh: Internet
Tin khác