Ngọ Môn là biểu tượng kiến trúc cung đình, gắn liền với đất Cố đô. Ngọ Môn là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của kiến trúc cổ Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc có giá trị trên nhiều phương diện. Cùng Check in Huế khám phá nhé.
Contents
Giới thiệu về Ngọ Môn
Ngọ Môn là một công trình kiến trúc đồ sộ tọa lạc ở phía nam của quần thể di tích Hoàng thành Huế. Cổng không chỉ là sự trau chuốt tỉ mỉ về mặt kiến trúc mà dưới thời Nguyễn, Ngọ Môn mang một sứ mệnh vô cùng to lớn. Ngọ Môn là lễ đài diễn ra nhiều sự kiện của triều Nguyễn. Ngọ Môn được xây dựng thay thế cho Nam Khuyết Đài vào thời vua Minh Mạng khi triều Nguyễn quy hoạch lại Hoàng thành Huế.
Ở Huế có một số câu ca dao về Ngọ Môn như:
“Ngọ Môn năm cửa, chín lầu
Cột cờ ba bậc, Phu Văn Lâu hai tầng”
Hay “Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh
Ba cửa thẳng, hai cửa quanh
Sinh ra em phận gái không hỏi chốn kinh thành làm chi”
Ngọ Môn: tuyệt tác kiến trúc
Kiến trúc của Ngọ Môn là một phức hệ, có thể chia ra làm hai phần chính: Phần nền đài ở phía dưới và lầu Ngũ Phụng ở phía trên. Tuy tính chất và vật liệu xây dựng khác nhau nhưng hai phần này được thiết kế ăn khớp, hài hòa với nhau, trở thành một thể thống nhất.
Phần Đài
Hệ thống nền đài Ngọ Môn được xây bằng gạch vồ và đá Thanh, kết hợp kim loại (đồng). Nền đài có mặt bằng hình chữ U vuông góc, lòng hướng ra ngoài Hoàng thành. Ở phần giữa nền đài có ba cửa đi song song nhau: cổng chính ở giữa dành cho vua đi, hai bên là tả Giáp Môn và hữu Giáp Môn dành cho các quan văn võ trong đoàn ngự đạo.
Ở trong lòng cánh chữ U mỗi bên có một cửa chạy xuyên qua lòng đài như đường hầm, lối ra vào bên ngoài vuông góc với đường dũng đạo (trục chính). Hai lối này gọi là tả Dịch Môn và hữu Dịch Môn, dành cho quân lính và voi ngựa theo hầu. Tả Dịch Môn và hữu Dịch Môn được xây kết cấu theo lối cuốn vòm và đỉnh cổng có hình cung, còn ba cổng ở giữa lại được thiết kế và xây dựng vuông, thẳng. Xung quanh mặt trên nền đài được bao bởi hệ thống lan can trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men ngũ sắc.
Lầu Ngũ Phụng
Lầu Ngũ Phụng là hệ thống kiến trúc đặt phía trên nền đài, được xây dựng bằng kết cấu gỗ. Lầu có mặt bằng hình chữ U tương ứng với mặt bằng nền đài, gồm hai tầng lầu, hai tầng mái, được dựng trên nền cao 1,14m. Hệ thống mái tầng dưới chạy vòng quanh suốt để che mưa nắng tất cả phần hồi lang. Hệ thống mái tầng trên phức tạp hơn, được chia làm 9 bộ mái, trong đó phần mái ở giữa cao hơn 8 bộ còn lại.
Bộ mái giữa cùng với phần mái tương ứng ở hệ thống mái dưới được lợp ngói hoàng lưu ly – là nơi vua ngự; các phần mái khác được lớp ngói thanh lưu ly. Các bờ nóc, bờ quyết, hồi mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo. Phần lầu giữa lợp ngói hoàng lưu ly được lắp hệ thống cửa gỗ kính phía trước, các phía còn lại thưng vách gỗ. Đây là chỗ ngự tọa của vua khi dự lễ.
Chùm ảnh check in ở Ngọ Môn
Ngọ Môn là địa điểm sống ảo dành cho du khách khi đến Cố đô Huế tham quan, du lịch. Ở đây có vô vàn góc chụp ảnh đẹp với không gian hoài cổ, kiến trúc độc đáo, nguy nga.

Một số lưu ý khi tham quan, check in
- Nếu muốn vào thăm quan Ngọ Môn, bạn sẽ phải mua vé vào từ cổng và cầm vé trên tay để tiện cho việc kiểm soát. Nếu bạn ở bên ngoài check in thì hoàn toàn miễn phí.
- Đây là một nơi tôn nghiêm nên khi đến đây bạn phải chú ý trang phục sao cho lịch sự. Không nên mặc quần áo quá ngắn hoặc áo sát nách mà thay vào đó nên chọn trang phục truyền thống để khi check in sẽ đẹp hơn.
- Vì đây là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nên bạn hãy giữ gìn môi trường cũng như vẻ đẹp nơi đây bằng cách không xả rác, không vẽ bậy lên tường và các kiến trúc khác.
- Khoảng tháng 4 đến tháng 5 hàng năm là lễ hội Festival Huế, lượng người đổ về đây tăng đột biến nên khi tham quan thì nhớ giữ ví và điện thoại cẩn thận nhé.
Hướng dẫn di chuyển đến Ngọ Môn
Ngọ Môn nằm trong quần thể di tích Hoàng Thành nằm ngay gần trung tâm thành phố Huế nên rất dễ dàng di chuyển từ trung tâm đến Ngọ Môn. Phương tiện di chuyển rất đa dạng nhưng Review Huế khuyên bạn nên chọn xích lô vì quãng đường từ trung tâm đến Cổng Ngọ Môn khá gần và có nhiều phong cảnh đẹp. Khi di chuyển đến Ngọ Môn bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh hai bên bờ sông Hương, sau đó đi qua cầu Phú Xuân và cuối cùng đi theo hướng đường Quảng Đức là tới Ngọ Môn. Đến đây bạn có thể kết hợp đi khám phá Kinh thành Huế.
Ngọ Môn là một nét đẹp độc đáo của Huế, đại diện cho nền kiến trúc triều Nguyễn cũng như là chứng nhân lịch sử của vùng đất Cố đô. Bạn đừng chần chừ mà hãy thêm ngay hoạt động tham quan, check in Ngọ Môn vào lịch trình Huế nhé.
Tin khác