Notice: Undefined variable: content in /home/u817475818/domains/checkinhue.vn/public_html/wp-content/themes/flatsome-child/functions.php on line 22

Thưởng thức bánh khoái cá kình độc đáo của làng Chuồn

Bánh khoái cá kình làng Chuồn là một trong những món ăn độc đáo làm nên thương hiệu ẩm thực của vùng đất Cố đô. Món bánh này độc đáo ở chỗ tự mua nguyên liệu và nhờ chế biến với giá rẻ, cách chế biến độc đáo và vị ngon ngọt từ cá ăn kèm mắm cay tê đầu lưỡi của người Huế. Cùng Check in Huế khám phá nhé.

Nguồn gốc bánh khoái cá kình 

Ngay từ tên gọi là bánh khoái cá kình làng Chuồn đã khiến người ta nghĩ ngay đến nơi ra đời của món ăn này. Theo người dân địa phương, bánh khoái cá kình là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ làng An Truyền, xã Phú An, Thừa Thiên Huế. Lâu dần, bánh khoái cá kình trở thành đặc sản dân dã của bà con vùng đầm Chuồn, thuộc hệ thống phá Tam Giang, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km.

Bánh khoái cá kình làng Chuồn là một món ăn đặc biệt đã đi vào lời thơ câu hát của bao chàng trai, cô gái xứ Huế:

“Thơm ngon bánh khoái cá kình

Chợ Chuồn anh nhớ mối tình đôi ta

Cầu cho mưa nắng thuận hoà

Mùa màng tươi tốt, anh ra cưới nàng”

Nguyên liệu làm bánh khoái cá kình

Thành phần chính để làm bánh khoái cá kình vô cùng đơn giản nhưng khó tìm ở nơi khác. Đó là bột gạo ruộng làng Chuồn cùng với dầu phụng, giá sống, nước mắm ruốc hay nước mắm cá nục Thuận An và quan trọng nhất làm nên linh hồn bánh khoái trứ danh chính là cá kình. Đây là loài cá chuyên sinh sống trong môi trường nước lợ. Phần thịt cá kình vô cùng chắc và ngọt. Cá ở làng Chuồn thì càng đặc biệt chắc, ngọt và thơm hơn.

Mùa thu hoạch cá kình diễn ra vào khoảng từ độ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Thời gian này, thực khách về làng Chuồn để hưởng thức món ăn có một không hai này ở độ ngon nhất. Để có thể mua được cá kình tươi ngon, bạn nên mua tại bến đầm Chuồn vào sáng sớm, cụ thể lúc 5 giờ 30 đến 6 giờ. Đây là thời điểm những ngư dân ở đầm Chuồn trở về sau một đêm đánh bắt các loại hải sản tự nhiên và bắt đầu bán lại cho các thương lái cũng như khách lẻ.

Dù cá kình là nguyên liệu quan trọng nhất của món bánh khoái làng Chuồn nhưng tùy vào sở thích của thực khách và điều kiện thời tiết hoặc chỉ đơn giản là làm đa dạng hơn các loại nhân, người bán sẽ thay nhân bánh bằng cá dìa hoặc bất kì loại thủy, hải sản tôm, mực,… nào đó theo mùa vừa đánh bắt ở vùng xung quanh đầm Chuồn và phá Tam Giang.

Quá trình làm bánh khoái cá kình

Bánh khoái cá kình có các công đoạn không hề khép kín mà diễn ra ngay ở chợ hoặc quán, khi khách ăn thì mới bắt đầu đổ bánh. Thực khách còn đi mua nguyên liệu ở gần đó rồi mới vào quán nhờ người bán bắt đầu công đoạn đổ vỏ bánh và cho nhân cá kình vào.

Trước tiên, cá kình được rửa và làm sạch rồi được “đổ” vào chảo nhỏ với 1 vá bột gạo trắng xay nhuyễn. Sau đó, người ta cho thêm chút nước mắm pha ngay tại chỗ rồi cá chín vừa tới, nghĩa là đạt độ nóng hổi, mang trong đó hương thơm mùi của đầm phá, mặn mòi nhưng không tanh như cá biển khác.

Để làm được điều này, người ta sẽ đậy vung trong khoảng 3 phút rồi mới quay lại lật bánh để đạt độ chín giòn 2 mặt, và rồi đậy nắp lại thêm khoảng 2 phút nữa là thực khách có thể thưởng thức món bánh thành phẩm. Cuối cùng lấy ra dĩa và ăn kèm các loại rau sống cùng nước mắm chua ngọt cay cay. Tất cả tạo nên tổng thể món ăn thật quyến rũ và khó quên với bất cứ thực khách nào được thưởng thức, dù chỉ một lần.

Bánh khoái cá kình ngon nhất khi ăn ở chợ làng Chuồn, giữa không gian và không khí đặc trưng của phiên chợ buổi sáng sớm đầu ngày. Ngoài ra, khi ngồi ăn bánh, thực khách còn được quan sát khung cảnh náo nhiệt quanh mình và nhất là đồ nghề bán hàng cũng như tận mắt ngắm các công đoạn làm nên những chiếc bánh khoái của người làng Chuồn.

Các địa chỉ bán bánh khoái làng Chuồn

Bánh khoái cá kình O Lành

Bánh khoái cá kình O Lành có giá rẻ, hương vị cá kình cũng tươi ngon hơn vì được đánh bắt và chế biến ngay trong làng. Ngoài ra bạn cũng sẽ được xem làng chài mọi người đi lại, sinh hoạt vô cùng nhộn nhịp. Không khí đó kết hợp cùng với món ngon nhất định sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị.

  • Địa chỉ: Chợ Chuồn, Phú Vang, Thành phố Huế
  • Giờ mở cửa: 17:00 – 21:00
  • Giá cả: 10k – 20k

Hằng Liên – Bánh khoái Cá Kình Làng Chuồn

Nếu bạn ngại đi xa thì bạn cũng có thể ghé tiệm Hằng Liên ngay bên trong trung tâm thành phố Huế để ăn nhé. Giá cả sẽ đắt hơn một chút, tầm khoảng 30k/bánh. Review Huế thấy rằng vì một bánh có đến 2 – 3 con cá nên giá này không quá đắt. Ăn tầm 2 – 3 cái là đã no căng rồi. Ở Hằng Liên cũng phục vụ rau sống ăn kèm tươi ngon mơn mởn, nước mắm pha vừa miệng.

  • Địa chỉ: 126 Phạm Văn Đồng, Huế
  • Giờ mở cửa: 15:00 – 21:00
  • Giá cả: 15k – 25k

Mệ Giang – Bánh khoái Đầm Chuồn & Mực Nướng Khổng Lồ

Ở Mệ Giang, bạn có thể trải nghiệm ăn cả bánh khoái đầm Chuồn và mực nướng khổng lồ vô cùng ổn áp. Cá con to, chắc thịt, ngọt lịm. Nếu ăn một bánh đã hơi no ngang thì bạn có thể gọi thêm một phần mực khổng lồ chia ra ăn chung với bạn bè. Vừa trải nghiệm nhiều món ngon mà vừa tránh ngán cũng rất hợp lý.

  • Địa chỉ: 42 Hoàng Quốc Việt, Huế
  • Giờ mở cửa: 13:00 – 21:00
  • Giá cả: 12k – 50k

Hướng dẫn đường đến làng Chuồn

Review Huế hướng dẫn đường đi từ thành phố Huế đến làng Chuồn: Đầu tiên, bạn đi vào đường Lê Quý Đôn rồi rẽ phải đến đường Tôn Đức Thắng. Tiếp sau đó chạy vào đường Tố Hữu đến hết đoạn rẽ vào QL 49 rồi chạy tầm thêm khoảng 10 phút nữa, bạn sẽ thấy tấm biển lớn hướng dẫn đường về làng Chuồn. Từ đây bạn chỉ cần chạy theo đường lớn khoảng 5 phút là sẽ tới nơi.

Đường đi đến làng Chuồn khá dễ dàng và thuận tiện vì chỉ cần theo quốc lộ 49 hướng về An Truyền, qua cầu Tư Hiền là sẽ đến nơi. Món bánh khoái cá kình trứ danh cùng nhiều đặc sản và cảnh đẹp vùng đầm phá đang chờ bạn khám phá đấy nhé.

Ảnh: Internet

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *