Bánh ú tro là một trong những đặc sản của làng hoa giấy Thanh Tiên, Huế. Bánh có dạng hình chóp, bên ngoài bọc lá, khi bóc vỏ để lộ thân bánh có màu đỏ nung. Bánh ú tro được ăn kèm với đường trắng, có vị bùi bùi, thoang thoảng mùi nếp mới, vị nồng của hương tro lò ngói. Cùng Check in Huế khám phá nhé.
Contents
Giới thiệu bánh ú tro
Bánh ú tro là loại bánh truyền thống của người Việt trong dịp Tết Đoan Ngọ. Nguyên liệu để làm bánh ú tro rất đơn giản, có nếp, và nước tro. Bánh ú tro chất lượng phải là những chiếc bánh có màu đỏ đậm, thân bánh láng lẩy, không bị chảy nước. Mùi bánh dậy lên mùi thơm của tro, của nếp, hiện lên màu đỏ gạch của ngói, gợi lên bao cảm xúc về hình ảnh làng quê nông thôn.
Nếp làm bánh là nếp mới, còn non nẻo và được dầm trong nước tro một đêm rồi vớt ra. Bánh ú tro được gói trong chiếc lá dong xanh. Dây buộc bánh là cây lác mọc ở ven sông, hồ được người dân trong làng đem về phơi khô, tước thành từng sợi.
Vào những ngày cuối tháng tư âm lịch, người dân Thanh Tiên thường đi đò qua sông, về xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền để tìm tro trong các lò ngói. Tro càng để lâu ngày thì bánh cáng chất lượng. Tro đem về ngâm trong thùng nước sạch 10 ngày đến khi nước tro có màu vàng, chất cặn lặn hết xuống phía đáy thùng mới đạt yêu cầu. Trong thời gian này phải có người thường xuyên để ý để nước tro không bị khoáy động.
Bánh ú tro tuy nhìn rất đơn giản nhưng khi gói, người gói phải khéo tay mới gói được những chiếc bánh có ba góc sắc nhọn, đó là đặc trưng rất riêng của chiếc bánh ú tro. Khi nấu, bánh ú tro được gói thành từng chùm, xếp xen kẽ với măng vòi. Nồi bánh được nấu bằng củi, khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ thì bánh chín tới.
Bánh ú tro được gói trong lá dong, nhỏ và xinh xắn, 10 bánh thì cột thành một xâu và 5 xâu kết thành một chùm, lúc mua ai muốn chọn xâu nào, chừng bao nhiêu bánh thì tùy ý. Bánh khi mở lá ra có màu nâu cánh dán, bóng lên trong chất nếp đã hóa nhuyễn do một loại nước tro vô hình. Khi mở lá bánh ra, xếp chung quanh một chiếc dĩa nền trắng, sẽ nổi bật lên màu da nâu đậm đà, và vị bánh bùi bùi béo béo khi chấm quyện với một dúm đường cát trắng xinh xinh được đặt giữa đĩa..
Hiện nay, ở làng Thanh Tiên có 7 đến 8 hộ giữ nghề làm bánh ú tro để gìn giữ văn hóa truyền thống. Bên cạnh hoa sen giấy, bánh ú tro là một trong những đặc sản của làng rất được du khách yêu thích. Mỗi dịp Festival Huế diễn ra, du khách lại về làng Thanh Tiên không chỉ để ngắm hoa sen giấy mà còn thưởng thức những chiếc bánh ú tro.
Nguyên liệu làm Bánh ú tro
- Gạo nếp (500 gr)
- Đường (30 gr)
- Muối (20 gr )
- Nước tro tàu (500 ml)
Hướng dẫn các bước làm bánh ú tro
Bước 1: Ngâm gạo nếp
- Muốn bánh ngon bạn nên chọn loại nếp cái hoa vàng, nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, vo gạo bằng nước thật sạch, để ráo. Gạo nếp vo đãi nhiều lần cho sạch, sau đó vớt ra cho vào thau. Bạn cho vào thau 1 lít nước, 500 ml nước tro tàu, ngâm trong khoảng 20 tiếng. Thỉnh thoảng khi ngâm bạn thử bằng cách bóp nhẹ hạt gạo nếp vỡ nhẹ là gạo đã ngâm đủ.
- Sau khi gạo nếp ngâm nước tro thì xả lại nhiều lần với nước lạnh cho thật sạch. Có thể xóc thêm ít muối (0,5 kg gạo thì hết 20gr muối) cho bánh thêm phần đậm đà, để gạo cho ráo nước.
- Nếu muốn làm nước tro thì các bạn lấy cây thạp nhạp (là loại cây mọc trên rừng, rất phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc) cùng với quả của cây xoan mang về đốt thành tàn tro. Sau đó, lọc lấy phần nước. Tuy nhiên, bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn. Bạn có thể pha nước tro với tỉ lệ như sau: 1 thìa canh nước tro thì pha với 1 lít nước lọc.
Bước 2: Gói bánh
- Bạn có thể dùng lá chuối, lá tre hoặc lá dong để gói bánh.
- Bạn gói lá thành hình phễu, sau đó cho 2 đến 3 muỗng nếp vào rồi cuộn lá lại và dùng lạt hoặc dây buộc chặt. Lần lượt gói cho tới khi hết gạo.
- Bạn không nên buộc dây bánh quá chặt vì khi đem luộc, hạt gạo nếp khó nở và chín đều.
Bước 3: Luộc bánh
- Bánh ú tro gói xong bạn xếp vào nồi sạch, lưu ý là nồi luộc không được dính dầu mỡ. Nồi nấu không được dính dầu mỡ vì nếu có dầu mỡ sẽ bánh không thể chín được.
- Đổ ngập nước và luộc trong khoảng 3 giờ là bánh nhừ. Khi thấy nước cạn bạn có thể chế thêm nước vào để nồi bánh không bị hết nước. Khi bánh chín thì xả dưới vòi nước lạnh sau đó treo lên chỗ thoáng mát.
Bước 4: Thành phẩm
Món bánh tro với vỏ ngoài dẻo thơm. Khi ăn chấm bánh tro với đường ngọt thanh khiến bạn sẽ muốn ăn mãi ăn mãi.
Bánh ú tro có hương vị thơm ngon đặc trưng, các công đoạn thực hiện từ lựa chọn nguyên liệu đến gói đều không quá cầu kì, phức tạp. Nếu bạn có thời gian thì hãy tranh thủ thực hiện để chiêu đãi gia đình và bạn bè nhé. Review Huế chúc bạn thực hiện thành công nhé.
Ảnh: Internet
Tin khác