Notice: Undefined variable: content in /home/u817475818/domains/checkinhue.vn/public_html/wp-content/themes/flatsome-child/functions.php on line 22

Thưởng thức cốm An Thuận xứ Huế

Cốm An Thuận là đặc sản nổi tiếng của Cố đố Huế, món bánh cốm có mùi vị thơm, dẻo, ngọt của nếp non. Cốm là thức quà quê mộc mạc mà thấm đẫm tình làng nghĩa xóm. Đây là món quà ngon và độc đáo khiến nhiều người say đắm. Cùng Check in Huế khám phá nhé.

Cốm An Thuận – món bánh truyền thống Cố đô

Cốm An Thuận ở xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề cốm An Thuận có từ 13 đời trước được lưu truyền đến bây giờ. Nghề cốm An Thuận xuất xứ ở Bắc Ninh, do một người dân ở đó mang vào đây làm và lan truyền khắp nơi. Nhắc đến An Thuận ai nấy đều nhớ đến thức quà quê mộc mạc mà thấm đẫm tình làng nghĩa xóm này. Trên con đường dẫn vào làng, du khách cười nói lao xao với mấy o “xứ Huế” đang thong dong gánh cốm:

“Ơi o bán cốm hai lu

Có về An Thuận cho tui về cùng”

Làng An Thuận còn lưu truyền câu ca:

“Học trò xứ Quảng ra đây

Ăn bánh An Thuận ngất ngây cõi lòng”

Làng An Thuận từ lâu đã nức tiếng với nghề làm cốm. Cốm An Thuận được làm từ các nguyên liệu gồm có nếp, đậu phộng, mè, mạch nha, đường, gừng. Ngày xưa, có hơn 100 hộ làm cốm, ngoài ruộng đồng thì làm cốm là nghề chính, sản phẩm cốm đa dạng như cốm dẹp, cốm bắp, cốm bột báng,… bán khắp các chợ Huế như Đông Ba, Tây Lộc, An Cựu, Phú Bài, An Lão, Cầu Hai, Thừa Lưu, Mỹ Thạnh, Đầm Chuồn,…

Cốm An Thuận nổi tiếng nhờ sự tinh tế của sản phẩm làng nghề truyền thống, sự tươi ngon của nguyên liệu, sự cầu kỳ trong khâu chế biến và hơn hết là gói gọn tình yêu thương trong từng sản phẩm. Khi thưởng thức Cốm, bạn có thể cảm nhận hương thơm của nếp, vị bùi của mè, vị béo của đậu phộng, vị cay nồng của gừng và tấm lòng của người dân làng cốm An Thuận.

Cốm An Thuận được người Huế dâng lên ông bà, tổ tiên khi tết đến xuân về, là món quà quê thay các loại mứt bánh hiện đại. Người Huế thưởng thức cốm khi uống trà, làm quà biếu tặng cho khách phương xa. Đặc biệt là món quà ăn vặt gắn liền với trẻ thơ của biết bao thế hệ.

Quy trình làm cốm An Thuận

Nguyên liệu làm cốm dẹp gồm: Lúa nếp, mạch nha, đường, đậu phộng, mè, gừng,… Lúa nếp được luộc sôi sau đó ủ trong nước nóng 3 ngày rồi rửa sạch và để ráo nước. Đun lửa cho chảo nóng rồi cho lúa nếp trên vào “trạo “cho đến khi hạt lúa nếp khô và dẻo thì bỏ vào cối giã cho tróc vỏ trấu gọi là “dẹp” (dẹp là hạt lúa nếp sau khi đã được “trạo” (rang) khô dẻo và được giã thành hạt dẹp lép).

Hạt gạo dẹp lép rồi được giần, sàng cho sạch vỏ trấu. Dùng chảo nóng rang cốm dẹp thành hạt nổ giòn; Rang đậu phộng, rang mè rồi làm sạch vỏ lụa; Làm sạch gừng và giã nát. Bắc chảo nóng cho đường và mạch nha vào nấu sôi, tiếp đến cho cốm đã rang giòn, đậu phộng, mè, gừng vào chảo đảo đều. Cuối cùng đổ hỗn hợp ra khuôn gỗ san phẳng nén chặt thành tấm rồi dùng thước và dao cắt thành miếng cốm dài khoảng 5cm, rộng 3cm. Cho thành phẩm vào bao bì rồi dán nhãn mác.

Sản phẩm đạt yêu cầu phải có tỉ lệ đường với mạch nha hợp lý. Miếng cốm chắc, giòn, ngọt dịu, béo bùi, thơm nồng của vị gừng tươi hòa quyện làm say lòng người thưởng thức. Cốm An Thuận được ăn nhiều vào mùa mưa, nên khoảng thời gian sản xuất nhiều nhất là 6 tháng, từ tháng Tám đến tháng Giêng năm sau.

Trước đây, nhà nào trong làng cũng đều làm cốm và thường cho vào chum sành cho kín hơi để giữ cho cốm được giòn và không bị lại đường (lại đường là hiện tượng đường sau khi nấu chảy ra không bám đều thành một lớp mỏng quanh cốm mà dính lại thành cục), rồi gánh rong ruổi đi bán khắp nơi.

Thách thức của cốm An Thuận

Hiện nay, vì nhiều lí do nên chỉ còn 5 hộ theo nghề, chủ yếu làm cốm dẹp, tập trung sản xuất vào dịp Tết. Ngày xưa, cốm dẹp là sản phẩm tiến Vua, ngày nay nghề này bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Hiện nay, còn các hộ theo nghề như bà Nguyễn Thị Xuân Lý, ông Nguyễn Duy Dũng, bà Nguyễn Thị Thủy,… (trú tại xóm 8).

Những chiếc bánh cốm được gói bằng lá chuối hay giấy báo không còn nữa mà thay vào đó là những bọc nilon. Sự xâm nhập của các mặt hàng có thương hiệu, sự cạnh tranh giá cả; thu nhập từ nghề làm bánh cốm thấp… là những lý do mà người dân An Thuận không còn sống bằng nghề như trước.

Làm nghề này phải cần nhiều người, tốn nhiều thời gian vì toàn làm bằng thủ công. Thu nhập không cao, đầu ra lại hạn chế, máy móc thiết bị không đầy đủ, nhiều công đoạn làm bằng thủ công nên mất nhiều thời gian. Bánh cốm được ăn nhiều vào mùa mưa, về mùa nắng ít ăn. Nên vào mùa hè thì bán không đắt hàng.

Với mong muốn mang đến món ăn độc đáo, vừa ngon vừa gói trọn những yêu thương và gởi gắm những thông điệp Vạn sự Vuông Tròn, cốm An Thuận là đặc sản nổi tiếng mà bạn không nên bỏ qua khi đến Huế nhé. Review Huế chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời khi tham quan và thưởng thức ẩm thực Cố đô nhé.

Ảnh: Internet

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *