Hội vật Làng Sình là hội vật truyền thống có lịch sử hơn 200. Hằng năm sau khi ăn Tết xong, hội vật được tổ chức với niềm mong ước dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ. Cùng Check in Huế khám phá nhé.
Contents
Thời gian và địa điểm tổ chức hội vật làng Sình
Hội vật diễn ra ở làng Lại Ân, còn gọi là làng Sình. Ngôi làng được hình thành từ sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình, nay là xã Phú Mậu, thành phố Huế. Vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân nơi đây giong trống mở cờ tổ chức Hội Vật làng Sình. Nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy hàng trăm năm qua.
Nguồn gốc của Hội vật làng Sình
Vào thời Trần – Hồ, thành Hoá Châu là lỵ sở của một vùng phên dậu phương Nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thuỷ lộ huyết mạch mà vùng Thanh Phước – Sình chính là cửa ngõ. Để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng. Trai làng Sình tích cực tham gia và dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hàng năm để rèn luyện sức khoẻ để bảo vệ quê hương.
Thời nhà Nguyễn, với vị trí quan trọng trên các tuyến thuỷ lộ huyết mạch nên ngã ba Sình được triều đình chú trọng xây dựng thành nơi diễn tập thuỷ quân. Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ và về sau ấn định ngày mùng 10 tháng Giếng làm ngày hội thao, tổ chức ngay tại làng Sình. Vật võ đã trở thành mạch sống của làng Sình và còn có ý nghĩa để cầu an.
Hội vật làng Sình là một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng và ăn sâu vào máu của mỗi người dân ở làng Sình. Hội vật còn là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách để cứ mỗi độ xuân về. Ở Huế vẫn còn lưu truyền câu:
“Dù ai đi đó đi đây
Ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình”
Các đô vật tham gia không bắt buộc phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể tham gia. Ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô tham gia hội vật. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản nên ngày xưa cứ đến trước ngày làng mở hội vật là trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình.
Ý nghĩa của Hội vật làng Sình
Hội vật làng Sình nhằm giữ gìn, khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương và dân tộc. Mặt khác, đây là một trong những sân chơi văn hóa truyền thống lành mạnh vào dịp đầu Xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để mừng Đảng, mừng Xuân và kỷ niện các ngày lễ lớn của đất nước.
Hội vật làng Sình nếu cao tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí. Đây là dịp để các đô vật rèn luyện, tu dưỡng đạo đức chờ đầu xuân tham gia tranh tài. Hội vật cũng nhằm mục đích lưu giữ truyền thống vật võ – sinh hoạt văn hoá đặc trưng với mong muốn dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt. Các đô vật giải nhất được nhận cau, trầu, rượu, đầu heo cùng cờ, huy chương và tiền thưởng.
Hội vật làng Sình bao gồm: phần Lễ và phần Hội
Phần lễ
Hội vật làng Sình có hai phần: phần lễ và phần hội. Không khí lễ hội rộn ràng, tiếng trống rộn rã, băng rôn, cờ hoa rực rỡ sắc màu. Người xem, người tham dự nô nức, chen lấn tạo nên sức nóng của ngày hội. Phần lễ được tổ chức tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Ở đây, các cụ cao niên trong làng làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu.
Phần hội
Các đô vật mặc quần và quấn thêm một cán ngang lưng. Trước khi thi đấu chính thức, các đô vật hướng vào tổ đình và quỳ xuống vái lạy 3 lạy theo hiệu lệnh của tiếng trống. Đây cũng là nét khác biệt của vật làng Sình và hội vật các nơi trên cả nước.
Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Luật quy định: phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng” đồng thời giữ đối thủ trong vòng 3 giây là thắng. Các đô vật được phân thành nhóm lứa tuổi, cứ đô vật nào thắng 3 trận sẽ được vào vòng bán kết. Vượt qua vòng bán kết mới được vào vòng chung kết. Hội vật tuỳ số đô vật lọt vào vòng hai mà quy định thể lệ, thông thường là loại trực tiếp.

Để giành chiến thắng, ngoài sức khoẻ, các đô vật còn phải có kỹ thuật và nhanh nhạy. Vật có nhiều miếng đẹp mắt, quyết liệt thường được các đô sử dụng là xốc nách, vạch sườn, miếng bò, miếng háng nâng đối thủ vật ngã bổng, miếng bành (xốc nách bế ngửa), miếng táng (nâng đối thủ lên),…
Không gian văn hoá làng Sình vẫn lưu giữ dấu ấn rất rõ nét về một vùng đất thượng võ. Đây cũng chính là điều ấn tượng còn lại trong lòng du khách khi đặt chân đến với mảnh đất thân thương này. Review Huế chúc bạn có những trải nghiệm thú ví khi tham gia hội vật làng Sình nhé.
Ảnh: Internet
Tin khác